Bản Cát Cát Sapa có gì thú vị? Kinh nghiệm khám phá ngôi làng ấn tượng nhất núi rừng Tây Bắc
-
Thu Trang
“Bản Cát Cát không có gì đâu!”, “Bản Cát Cát cũng chỉ là ngôi làng nhỏ như bao ngôi làng khác trên đất nước Việt Nam này thôi”, đó là những gì mình từng được nghe về bản Cát Cát. Tuy nhiên, khi “mắt thấy tai nghe”, mình lại hoàn toàn bất ngờ. Bởi đúng là Cát Cát “không có gì thật” nhưng không có gì ở đây là không dấu chân của du lịch thương mại, không có những công trình hiện đại, tiên tiến, bản Cát Cát vẫn giữ được nét nguyên sơ, bình dị đặc trưng.
Yên bình như thế, dung dị đến vậy, điều gì lại khiến người người, nhà nhà mê mẩn Cát Cát như vậy. Cùng Sapadi khám phá tất tần tật về ngôi làng cổ giữa núi rừng Tây Bắc này nhé!
Hành trình tìm đến bản Cát Cát
Bản Cát Cát tọa lạc ngay dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, là địa bàn sinh sống chủ yếu của dân tộc người H’Mông. Nơi đây cách thị trấn Sapa chừng 3km theo hướng về phía đỉnh Fansipan.
Đầu thế kỉ XX, chính người Pháp đã phát hiện ra vẻ đẹp nơi đây và chọn làm khu nghỉ dưỡng cho các quan chức cấp cao thời bấy giờ. Cái tên Cát Cát theo mình tìm hiểu được cũng là do người Pháp đặt dựa theo hình ảnh thác nước tại bản.
Bản Cát Cát mùa nào cũng đẹp bởi nó luôn ẩn hiện dưới chân núi Hoàng Liên Sơn, được bao bọc bởi mẹ thiên nhiên nên vẫn giữ được vẻ đẹp mộc mạc, đơn sơ suốt bao nhiêu năm. Chút xanh của núi, chút lam của trời, chút nâu của những mái nhà gỗ đã làm nên một bản Cát Cát thơ mộng, yên bình. Và mình tin rằng, ai đến đây cũng đều muốn lưu giữ chúng vào kho ký ức đẹp.
Thật may mắn cho những ai lựa chọn Cát Cát điểm đến du lịch vào những năm gần đây. Bởi từ khi Sapa phát triển lên thành khu du lịch, đường đến bản cũng nhờ thế mà dễ dàng hơn. Bạn có thể đi xe máy nếu muốn tiết kiệm thời gian cũng như sức lực. Còn nhóm chúng mình thì lại lựa chọn đi đường bộ để có thể ngắm cảnh trên đường cũng như dễ dàng dừng lại một góc nào đó, thâu toàn cảnh thiên nhiên Sapa vào ống kính.
Trải qua quãng đường khoảng 2km, chúng mình đã đến tới bản. Ấn tượng đầu tiên về Cát Cát là một ngôi làng nhỏ của người H’Mông với lối kiến trúc gỗ pơ mu truyền thống. Ngôi làng đầy cuốn hút với những nếp nhà gỗ đơn sơ, văng vẳng tiếng róc rách của những khe suối nhỏ, sống động với màu sắc của những tấm thổ cẩm rực rỡ và những người dân tộc nhỏ bé giản đơn.
Những điểm tham quan thú vị tại bản Cát Cát
Con đường bậc thang lát đá
Bước qua cổng vào bản, bạn sẽ bắt gặp ngay con đường đá “trong truyền thuyết” chỉ vừa đủ hai hàng người đi. Con đường nhỏ nằm len lỏi giữa khu chợ của người H’mông tạo nên vẻ đẹp đậm chất vùng cao.
Đi dọc hai bên đường, bạn sẽ bắt gặp những quầy hàng với ti tỉ thứ đồ thủ công do chính những người dân nơi đây tỉ mỉ tạo ra như: trang sức, túi thổ cẩm, gấu nhồi thổ cẩm. Nếu muốn mua quà về cho người thân, bạn bè, bạn có thể tận dụng cơ hội này để sắm cả túi to đem về.
Trung tâm bản Cát Cát
Đi xa chợ Cát Cát hơn một chút, nếu bạn nghe thấy tiếng nước chảy mạnh, đó chính là trung tâm của bản. Đây là điểm gặp nhau của ba dòng suối là suối Vàng, suối Bạc, suối Tiên Sa, ngày đêm róc rách chảy. Đến Cát Cát, không chỉ được cảm nhận vẻ đẹp nguyên sơ, dung dị mà còn được lắng nghe những âm thanh thuần tự nhiên như tiếng suối, tiếng chim, tiếng gió,… bao muộn phiền cũng hóa hư vô.
Trung tâm bản Cát Cát có khá nhiều điểm hay ho để bạn khám phá như cối xay nước khổng lồ, cầu tre trên thác, đu quay gỗ nên đừng quên “chọn cảnh gửi hình” checkin ở đây nhé.
Đối với những bạn thích tìm hiểu về văn hóa dân tộc thì trung tâm bản chính là thiên đường của các bạn đấy. Ở đây sẽ thường xuyên diễn ra các hoạt động truyền thống như biểu diễn nghệ thuật, nhà dệt vải, se lanh,…
Thác Bạc
Chưa hết đâu nhé, bản Cát Cát còn sở hữu một dòng thác dựng đứng, chảy xiết quanh năm. Dòng thác này được người Pháp tìm thấy và đặt cho cái tên khá dễ nhớ: thác Cát Cát.
Làng Cát Cát
Tại đây, có đến 80 hộ dân sinh sống quần cư dọc theo con đường bậc thang giữa bản. Do đó, khá dễ dàng để những “kẻ lang thang” như chúng mình bắt gặp những nếp nhà sàn “đứng uy nghi” giữa bạt ngàn núi rừng. Những ngôi nhà ở đây thường được làm từ chất liệu gỗ, y như những gì chúng mình được coi trên phim. Không gian trong nhà đơn giản nhưng vẫn đầy đủ lắm nhé: có bếp, có chỗ ăn, chỗ tiếp khách và hai gian phòng ngủ.
Con người và nét đẹp văn hóa bản Cát Cát
Mang trong mình một tâm thế đi để trải nghiệm và tìm hiểu về các giá trị văn hóa, truyền thống vùng miền, chúng mình không ngần ngại xin vào nhà của dân tộc người H’mông để có thể hiểu hơn về cuộc sống của đồng bào nơi đây. Khác với những công trình bê tông kiên cố, hiện đại ở thị trấn, Cát Cát vẫn giữ được nét đặc trưng của một ngôi làng giữa núi với con người hiền lành, chân chất.
Người H’mông chủ yếu làm nghề thủ công, từ những vật dụng đơn giản như cái áo, chiếc túi đến những thứ kỳ công như trang sức đều do một tay họ tự làm ra. Tất cả quá trình, công đoạn đều được “cha truyền con nối” từ đời này qua đời khác. Do đó, giá trị truyền thống trong đồng bào nơi đây chỉ có tiếp tục, kéo dài mà không có dấu hiệu ngừng lại. Nói là thế nhưng đến lúc chứng kiến tận mắt, bạn mới thấy cảm phục trước những giá trị văn hóa miền núi mà nhiều khi chúng mình còn vô tình phớt lờ, bỏ qua.
Không chỉ dừng lại ở đó, đến với Cát Cát, bạn sẽ có cơ hội hòa mình vào những điệu múa uyển chuyển của những cô gái hay tiếng đàn môi, điệu khèn vui tươi của các chàng trai H’Mông rồi cùng đồng bảo thưởng thức đặc sản.
Đặc sản bản Cát Cát
Rượu ngô
Rượu ngô hay còn gọi là nước hạnh phúc là một thức uống phổ biến ở bản Cát Cát. Để tạo ra được một hũ rượu ngon, đúng chuẩn, ngô cần được đun sôi trong nước nóng rồi trộn chung với nấm và chờ lên men.
Rượu ngô bán nhiều ở chợ với giá vô cùng hợp lý nên đừng ngần ngại mua về làm quà cho người thân nhé.
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp ở bản Cát Cát thì không cần bình luận nhiều vì món này đã quá nổi tiếng. Những miếng thịt màu nâu sâm, hơi dai, đậm mùi khói bếp, hương vị ngọt mềm sẽ khiến du khách phải nghiện ngay từ lần thử đầu tiên.
Kinh nghiệm khám phá bản Cát Cát
Trước cổng vào bản có khá nhiều cửa hàng cho thuê trang phục, bạn có thể đến đó để lựa cho mình một bộ. Chỉ khoảng 50k/người là bạn đã có hàng giờ chụp ảnh, sống ảo với trang phục dân tộc rồi đấy.
Đến bản Cát Cát mà chưa biết đi đâu, đi thế nào, bạn cũng chớ hoang mang vì ở quầy bán vé vào đã có sẵn những tấm bản đồ riêng cho bản. Bản đồ ở đây là hoàn toàn miễn phí nên bạn hãy mang chúng theo người để biết được tất tần tật các địa điểm tham quan lý thú cũng như hướng dẫn đường đi ở bản.
Trên đây là một vài kinh nghiệm cũng như hiểu biết của mình về bản Cát Cát. Hy vọng thông qua bài viết này các bạn sẽ có đủ hành trang để khám phá hết vẻ đẹp bình dị, đơn sơ của ngôi làng cổ giữa rừng Tây Bắc này nhé.
Xem thêm: